Hơn 10 trường mở mới ngành vi mạch, bán dẫn
- David Smith
- February 10, 2022
- 15 min Read
- 2 comments
Bắt kịp xu thế
Đón nhu cầu nhân lực, đến thời điểm hiện tại, có hơn 10 trường ĐH thông báo mở mới chuyên ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Đơn cử như năm 2024 - 2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH - Trường ĐH Việt Pháp) lần đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng) cho hay, năm 2024 nhà trường mở mới chuyên ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn với 40 chỉ tiêu tuyển sinh. Trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn; triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với DN dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60 - 100 chỉ tiêu hằng năm. Hay trong đề án tuyển sinh năm 2024 mới công bố, Trường ĐH Phenikaa cũng dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn không hoàn toàn mới với Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, một số cơ sở giáo dục ĐH đã đào tạo ngành này. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều và quy mô còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Cho đến trước mùa tuyển sinh 2024, cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục ĐH tham gia đào tạo nhân lực cho một số công đoạn của công nghệ vi mạch. Trong đó, 11 trường ĐH đào tạo ngành gần với ngành này như: Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển tự động hóa, kỹ thuật máy tính….
Trường đại học “bắt tay” doanh nghiệp
Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam cuối năm 2023 vừa qua, hàng trăm chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tham gia thảo luận về các chủ đề: Ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống và phát triển vi mạch, bán dẫn gắn với công nghiệp điện tử. Theo đó, những khó khăn đã được các chuyên gia chỉ ra như sau, hiện chưa có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, thiếu nhân lực, nguồn lực và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia công nghệ dẫn đến ngành này mới ở giai đoạn gia công.
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều tín hiệu vui đã được mở ra, các cơ sở đào tạo đã bắt tay với DN để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn và vi mạch. Đơn cử trong sáng 31/1, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Samsung Electronics Hàn Quốc đã ký kết hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Technology Track, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch. Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track nhằm giúp sinh viên xuất sắc có cơ hội nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ định hướng về bán dẫn và vi mạch. Theo đó, sinh viên tham gia chương trình VNU-Samsung Technology Track sẽ được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn. Đối tượng tuyển sinh là các sinh viên từ năm ba hoặc năm tư theo hệ cử nhân có đủ điều kiện tham gia ứng tuyển, hoặc đã tốt nghiệp các ngành liên quan. Sinh viên sau khi tốt nghiệp theo chương trình học bổng do Samsung tài trợ này sẽ được làm việc trực tiếp tại Công ty Samsung ở Hàn Quốc trong lĩnh vực chip/bán dẫn.
Mới đây, Học viện Jetking Ấn Độ và Tổ chức giáo dục FPT cũng đã tổ chức ký kết chuyển giao chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn. Tổ chức giáo dục FPT hợp tác với Học viện Jetking đưa chương trình đào tạo chất lượng quốc tế về Việt Nam. Qua đó, mở rộng cơ hội cho những thế hệ trẻ và người đam mê công nghệ thông qua Hệ thống đào tạo FPT Jetking. Với chương trình học tại FPT Jetking, sinh viên sẽ tiết kiệm được thời gian học tập vì chương trình đào tạo trong 2 năm và có chất lượng chuyên môn cao. Sinh viên được học thẳng chuyên ngành với lượng thực hành lên đến 70%, kết hợp với hoàn thành đồ án trong mỗi kỳ để củng cố kiến thức và kỹ năng khi học. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các công ty đầu ngành trong suốt quá trình thực tập cho tới khi tìm việc làm, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn trong và ngoài nước.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có hơn 50 DN FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn; trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.