Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tuyển sinh 2 ngành mới năm 2024
- David Smith
- February 10, 2022
- 15 min Read
- 2 comments
Theo thông tin từ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, căn cứ vào kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế đất nước, năm 2024, nhà trường đã triển khai mở 2 chuyên ngành mới đó là chuyên ngành Luật Kinh doanh thuộc chương trình đại trà và Quản trị kinh doanh thương mại điện tử thuộc chương trình tiên tiến.
Chuẩn bị kỹ lưỡng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất
Để chuẩn bị mở được 2 chuyên ngành này, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mở chuyên ngành theo thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/01/2022.
Với mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo có chất lượng với đúng vị thế của nhà trường, từ đầu năm học 2022-2023, các Khoa/Viện quản lý các chương trình này đã chuẩn bị đội ngũ giảng viên có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy và thực tế cũng với hệ thống cơ sở vật chất sẵn có của trường để đưa ra lộ trình để xây dựng chương trình.
Về đội ngũ giảng viên, đối với chuyên ngành Luật Kinh doanh: hiện nhà trường có tổng số giảng viên giảng dạy cho ngành này là 22 người, trong đó có 01 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 11 thạc sĩ và 5 đại học.
Đội ngũ giảng viên được Trường Đại học Hàng hải Việt Nam lựa chọn là những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đại học ngành Luật, có trình độ và kinh nghiệm thực tế.
Bên cạnh giảng viên cơ hữu, nhà trường còn mời các chuyên gia, luật sư, thẩm phán có uy tín, có kinh nghiệm tham gia giảng dạy để nâng cao tính thực tiễn cho sinh viên.
Đối với chuyên ngành Quản trị kinh doanh thương mại điện tử, đội ngũ giảng viên giảng dạy chủ yếu đến từ Khoa Quản trị kinh doanh và Khoa Công nghệ thông tin đảm nhiệm.
Cả 2 khoa này đều có sự phát triển về lượng và chất về đội ngũ giảng viên trong những năm qua được thể hiện qua số thí sinh đăng ký vào ngày càng đông, cùng với điểm chuẩn tăng hằng năm.
Hiện tại trên 90% số giảng viên của Khoa Quản trị kinh doanh và Khoa Công nghệ thông tin có trình độ thạc sĩ trở lên. Số giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy các học phần chuyên môn của ngành này có 16 trong đó có 5 Tiến sĩ, 11 thạc sĩ.
Ngoài ra, nhà trường còn mời và hợp tác với đội ngũ đông đảo giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Luật, Trường Đại học Ngoại Thương.
Thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: NTCC)
Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng tốt công tác đạo tạo đại học của nhiều ngành, bao gồm cả 02 chuyên ngành mới Luật Kinh doanh và Quản trị kinh doanh thương mại điện tử.
Theo báo cáo của nhà trường, hiện tổng diện tích đất của trường là 231.743 m2. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo (hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, thư viện, trung tập học liệu, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập, ký túc xá) là 106.000 m2.
Trường có thư viện được trang bị chất lượng và hiện đại với tổng diện tích là 3.295 m2. Với hệ thống các phòng theo mô hình mới khang trang, hiện đại với 7 phòng đọc và 2 phòng mượn, sở hữu trên 132.000 tài liệu sách báo các loại bạn đọc có thể lựa chọn nhiều hình thức sử dụng như đọc tại chỗ, mượn về nhà,…
Bên cạnh kho học liệu được lưu trữ tại chỗ, thư viện còn liên kết với các cơ sở dữ liệu của Trung tâm Học liệu Thái Nguyên, ProQuest Centra, tiếng Việt, ngoại văn (Ebrary, ACM, Cengage, Mc Graw-Hill, IEEE) đáp ứng hơn 300.000 tài liệu.
Đối với chuyên ngành Luật kinh doanh, nhà trường trang bị 01 phòng xử án với đầy đủ các trang thiết bị giống như một phòng xử án tại các tòa án.
Chương trình đào tạo tân tiến
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, với mục tiêu đào tạo sinh viên có năng lực tốt, khả năng thích ứng nhanh với sự biến động của doanh nghiệp, các chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng theo CDIO từ năm 2016 với chuẩn đầu ra được thiết kế theo 4 nhóm tương ứng với 4 trụ cột giáo dục của UNESCO:
1 - Kiến thức và lập luận ngành (UNESCO: học để biết)
2 - Kỹ năng, phẩm chất cá nhân, nghề nghiệp (UNESCO: học để trưởng thành)
3 - Kỹ năng giao tiếp (UNESCO: học để chung sống)
4 - Năng lực thực hành nghề nghiệp (UNESCO: học để làm)
Đây là một giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội dựa trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, qua đó xây dựng và thiết kế chương trình, kế hoạch đào tạo được các trường đại học trên thế giới sử dụng ngày càng nhiều.
Sinh viên khi được đào tạo theo CDIO sau khi tốt nghiệp sẽ có đầy đủ cả kiến thức và kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của xã hội và bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong năm 2024 (Ảnh: NTCC)
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần, 2 chương trình mới được đào tạo trong vòng 4 năm, được chia thành 02 phần: kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành.
Sinh viên các chuyên ngành sẽ học chung hầu hết các học phần cơ sở trong khoảng 2 năm đầu đối cùng với các chuyên ngành khác. Từ năm thứ 3 sẽ tách ra theo các chuyên ngành riêng để học sâu hơn về chuyên môn.
Trong chương trình đào tạo, sinh viên được tham gia trải nghiệm thực tế ở năm thứ nhất; cùng với đó là 2 kỳ thực tập chuyên ngành (6 tuần) và tốt nghiệp (10 tuần) ở những học kỳ cuối khoá.
Trong suốt quá trình đào tạo, sinh viên thường xuyên được tham dự toạ đàm với các chuyên gia.
Trong thiết kế chương trình các học phần sẽ có lồng ghép nội dung để mời các doanh nghiệp về cùng tham gia giảng dạy nhằm tăng kiến thức thực tế cho sinh viên.
Ngoài ra, trong chương trình cũng có nhiều hoạt động giúp sinh viên làm quen với văn hoá doanh nghiệp như thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ với doanh nghiệp…
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Cử nhân. Người tốt nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực, thái độ để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.