Tại sao nhiều người trên thế giới đang lo lắng về thế hệ Alpha?
- David Smith
- February 10, 2022
- 15 min Read
- 2 comments
Ra đời từ năm 2010, "thế hệ Alpha" là thế hệ kế thừa về nhân khẩu học của thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 trở đi) và những thành viên lớn nhất trong thế hệ này còn chưa tròn 15 tuổi.
Mặc dù thế hệ Alpha được biết sẽ kết thúc khi những đứa trẻ cuối cùng được sinh ra vào tháng 12/2024, nhưng đã bắt đầu có những lo ngại trên toàn cầu rằng những đứa trẻ này có những điều không "ổn".
Nhiều ý kiến cho rằng những đứa trẻ trong thế hệ Alpha phụ thuộc quá nhiều và chiếm tỉ lệ người dùng lớn trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Instagram và TikTok.
Rivata Dutta (Riv), một người có sức ảnh hưởng thường sản xuất các nội dung phổ biến với các Alpha trên mạng xã hội TikTok cho biết: "Mọi người trên Internet thực sự sợ hãi thế hệ Alpha. Thế hệ Alpha thật kỳ lạ".
Bất chấp tỷ lệ sinh giảm trong nhiều thập kỷ, hiện trên thế giới có hơn 2 tỷ trẻ em thế hệ Alpha, chiếm hơn một phần tư dân số hành tinh. Tuy nhiên, một số khía cạnh trong văn hóa của họ đang gây ra phản ứng dữ dội.
Những đứa trẻ "iPad"
Khi nói đến trẻ em Alpha ở độ tuổi đi học, nhiều người thường nghĩ đến khái niệm "đứa trẻ iPad" - một đứa trẻ không thể ngồi ăn hết bữa tại nhà hàng hoặc đi một chuyến ngắn trên phương tiện giao thông công cộng mà không xem các video trên máy tính bảng.
Chris Chin (39 tuổi) có cậu con trai Kaven (8 tuổi) là ngôi sao YouTube với nửa triệu người theo dõi là thế hệ Alpha, cho biết: "Điều đáng nói là chúng tôi không cho con dán mắt vào màn hình mọi lúc, nhưng có lẽ chính mình vẫn thường cầm điện thoại và xem thường xuyên. Vì thế chỉ cần con giữ được điểm số cao thì tôi sẽ cho con làm điều gì nó muốn. Và phần lớn thời gian con tôi chọn xem iPad".
Các chuyên gia cho biết, đối với một học sinh tiểu học đang ở thời kỳ tò mò với mọi thứ, YouTube thường hoạt động giống Wikipedia (một trang bách khoa toàn thư trực tuyến mở) hơn. Những đứa trẻ tìm kiếm bất cứ câu trả lời nào mà chúng cần biết trên đó.
Amanda Klecker, người làm việc tại công ty giải trí Pocket.watch, đại diện cho những nhà sáng tạo bom tấn dành cho trẻ em như Ryan's World và Art for Kids Hub cho rằng những đứa trẻ có thể tiếp cận được nhiều bài học nghệ thuật thú vị trên YouTube. Người có sức ảnh hưởng - Rivata Dutta cũng đồng tình và cảm thấy những đứa trẻ ngày này tiếp cận thông tin nhiều và nhanh hơn qua các nền tảng mạng xã hội.
Các nghiên cứu cho thấy thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các bậc cha mẹ thuộc thế hệ trẻ bận rộn và tương đối dễ dãi. Thậm chí nhiều gia đình đã cho phép trẻ em quyết định gia đình mình mua gì, đi đâu trong kỳ nghỉ và cả những gì chúng xem trên tivi. Điều đó khiến các bậc cha mẹ thuộc thế hệ Millennial (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) đang bị đổ lỗi vì đã nuôi dạy một nhóm trẻ em thế hệ Alpha bị ám ảnh bởi iPad.
Khả năng đọc viết kém của thế hệ Alpha Mỹ
Nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy. Nạn mù chữ là một trong những lời chỉ trích thường xuyên và tai hại nhất đối với thế hệ Alpha trên mạng. Điều này cũng đúng về mặt thực nghiệm đối với một nhóm nhân khẩu học có độ tuổi trung bình là 6,5 tuổi.
Ở California, trẻ em dự kiến sẽ đọc được chữ vào khoảng tháng 12 của lớp một, nghĩa là hầu hết các học sinh Alpha lẽ ra phải biết chữ vào ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, hàng ngàn người vẫn đang gặp khó khăn đối với việc này.
Shervaughnna Anderson-Byrd, giám đốc Dự án văn học và đọc sách California cho biết, "Alpha là một trong những thế hệ trẻ gặp khó khăn nhất trong việc đọc sách. Chỉ có 43% học sinh của chúng tôi đạt đúng cấp lớp ở California".
Cô cho biết thêm, việc đọc là điều cần thiết cho tất cả các công việc học tập từ cuối bậc tiểu học trở đi. Tuy nhiên, ngay cả giáo viên tiếng Anh cũng không được đào tạo để dạy ngữ âm và các kỹ năng khắc phục khác sau lớp vỡ lòng. Điều đó đã khiến những học sinh lớp 4 bị tụt hậu phần nào khi đại dịch xảy ra vào năm 2020, và lên đến lớp 8 vẫn mù chữ. Các giáo viên phàn nàn rằng họ có những học sinh 14 tuổi không biết đọc.
Cơn sốt "Sephora kid"
Sáu tháng qua, các thế hệ khác đã chứng kiến sự trỗi dậy của một cơn sốt mới nhất trong thế hệ Alpha mang tên "Sephora tween" hay "Sephora kid". Video quay lại cuộc "đổ bộ" của những đứa trẻ 12 tuổi quan tâm và bị ám ảnh với vấn đề chăm sóc da vào các cửa hàng làm đẹp. Điều đáng nói là chúng làm hỏng hàng mẫu, gây ảnh hưởng đến các khách mua sắm là người lớn và tích trữ các sản phẩm đắt tiền dành cho người lớn.
Hình ảnh những đứa trẻ thế hệ Alpha thử ngiệm các loại mỹ phẩm đắt tiền vào tạo ra một mớ hỗn độn trong các cửa hàng Sephora. Ảnh: Dailymail
Tuy nhiên, điều này cũng gây lo ngại khi thế hệ này còn quá trẻ để tiếp cận các quy trình chăm sóc da và có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc trên da do vẫn chưa có đủ kiến thức.
Các chuyên gia cho rằng không phải ngẫu nhiên mà làn sóng lo ngại tiêu cực về thê hệ Alpha xuất hiện ngay khi những người lớn tuổi nhất thế hệ bước vào tuổi dậy thì, đỉnh điểm phát triển của những hành vi được xem là "nổi loạn".
Họ lập luận rằng việc dạo quanh khu vực chăm sóc da của Sephora hay say sưa xem những bộ phim ngắn kỳ quái trên YouTube cũng có thể nói lên rất nhiều điều về một thời đại.
Nhà nhân khẩu học McCrindle cho biết: "Hiện tượng Sephora cũng là một đặc điểm của quá trình lớn lên. Chúng ta đang nói về những đứa trẻ vẫn đang phát triển các kỹ năng xã hội và hành vi của mình. Những đứa trẻ thử trang điểm và nổi loạn theo từng giai đoạn cuộc đời của chúng".
Rivata Dutta, người có sức ảnh hưởng cũng đồng ý và cho rằng đó là một giai đoạn "nổi loạn" thường thấy. "Tôi chắc chắn sẽ còn thấy nhiều sự hỗn loạn sắp xảy ra và đương nhiên thế hệ Alpha sẽ chống lại điều đó", cô nói.