Sự nghiệp thành công, kết hôn có còn là đích lớn nhất?
28 tuổi, chưa có bạn trai lần nào và cũng chưa có ý định kết hôn, Nguyễn Lê Bảo Trân, làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh vẫn miệt mài học thêm ngoại ngữ và học lên thạc sĩ. Thời gian còn lại, Bảo Trân tụ tập với bạn bè, đi xem phim... Cô chia sẻ: “Gia đình và nhiều người chung quanh có hối thúc, có khuyên bảo là lo yêu đương, lập gia đình rồi sinh con đi, đừng cứ học và chơi mãi như thế, có tuổi rồi. Nhưng mình nghĩ, lập gia đình, sinh con chưa phải là mục tiêu của mình trong giai đoạn hiện tại. Mình thích tận hưởng cuộc sống, làm hết những điều mình mong muốn, muốn đầu tư thời gian, tiền bạc cho việc học tập để nâng cao học thức và giá trị bản thân. Đối với mình, được làm những điều đó mới là sống vui”.
22 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở một trường đại học Dân lập, được người nhà giới thiệu cho một công việc cực kì ổn định trong một công ty nhà nước, nhưng Lê Minh Hải, sống tại quận 2, TP Hồ Chí Minh nhất định không đồng ý, mặc cho gia đình la mắng, người chung quanh chê là “dở hơi”. Nhưng Minh Hải có suy nghĩ của riêng mình. Chàng trai trẻ này cho rằng, việc bước chân vào một công ty nhà nước với chỗ làm ổn định, mức lương vừa vừa là một sự an toàn. Nhưng sự an toàn ấy chưa chắc cần thiết cho người mới bước chân vào cuộc đời và còn nhiều ước mơ cần thực hiện. Minh Hải cho biết, sẽ nỗ lực tìm việc ở những công ty mình cảm thấy hứng thú, dù là công ty nhỏ hay lớn. Sau đó, mục tiêu tiếp theo của chàng trai trẻ sẽ là học thêm ngành du lịch lữ hành, mở một công ty du lịch nhỏ, hoạt động theo hướng trải nghiệm để “thỏa chí” thích đi đây đi đó của bản thân. “Với mình, cuộc sống như vậy mới chính là cuộc sống, có phiêu lưu, có rủi ro, nhưng đầy màu sắc, được trải nghiệm và dấn thân”.
Câu chuyện của Bảo Trân hay Minh Hải chỉ là những lát cắt giữa bức tranh cuộc sống muôn màu. Nhưng cũng có thể thấy rằng, mục tiêu sống và quan điểm hạnh phúc của giới trẻ đã khác thế hệ trước rất nhiều. Nếu như ở thời điểm trước, gia đình êm ấm, sự nghiệp thành công, có nhà, có xe... vẫn là những mục tiêu phổ biến của xã hội, thì giờ đây, không có một mục tiêu duy nhất nào có thể áp đặt cho tất cả giới trẻ ngày nay, vì mỗi người có giá trị, mục tiêu và ước mơ riêng biệt. Người trẻ ngày nay có sự đa dạng lớn về mục tiêu và ước mơ mà họ theo đuổi.
Giờ đây, với thế hệ trẻ, tiêu chí thành công trong sự nghiệp đã nhường chỗ cho mục tiêu tìm kiếm sự cân bằng trong công việc và cơ hội phát triển bản thân. |
Tất nhiên, thành công trong sự nghiệp, kết hôn và ổn định vẫn là những mục tiêu quan trọng mà nhiều người trẻ quan tâm. Nhưng đó không còn là duy nhất mà tùy thuộc vào giáo dục, văn hóa, và trải nghiệm cá nhân, mỗi người có thể đặt ưu tiên khác nhau cho những mục tiêu này. Một số người tập trung vào việc phát triển sự nghiệp và đạt được thành công, trong khi người khác có thể ưu tiên mối quan hệ gia đình và hôn nhân. Ngoài ra, có những người chọn theo đuổi các mục tiêu về sáng tạo, tình nguyện, giáo dục, hay khám phá cá nhân.
Một số người trẻ khác, lại đi ngược hoàn toàn với những mục tiêu nói trên, tìm những con đường “hạnh phúc” khác cho cuộc sống của mình. Có người yêu chuộng cuộc sống độc thân, thích thú vì được sống một đời sống “bình thường”, không nổi trội. Có người đam mê sáng tạo và khám phá, yêu thích hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng, mong muốn đóng góp vào sự tiến bộ và tạo ra những thay đổi tích cực trong thế giới xung quanh. Có người ưu tiên lớn nhất là sống khỏe mạnh và phát triển tinh thần. Cũng có người đắm chìm trong yêu đương, hoặc một số lạc thú không lành mạnh vì cho đó là niềm vui.
Có thể thấy, mỗi người trẻ có những giá trị và mục tiêu riêng biệt, và việc đeo đuổi những điều này thường phản ánh sự đa dạng và tự do cá nhân trong xã hội ngày nay.
Không còn “ đóng khung” về hạnh phúc
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2019 là báo cáo đầu tiên được công nhận rộng rãi đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình trạng hạnh phúc của Gen Z. Trong Chương 5 của báo cáo, Nhà tâm lý học người Mỹ Jean Twenge trình bày bằng chứng dựa trên nhiều nghiên cứu độc lập khác nhau rằng Gen Z có sức khỏe tâm thần kém. Sức khỏe tinh thần được đánh giá qua các chỉ số mức tiêu cực như trầm cảm, ý định tự tử và tự làm hại bản thân.
Người trẻ ngày nay mong muốn trải nghiệm cuộc sống, đủ trưởng thành rồi mới tiến đến hôn nhân. |
Các nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng Gen Z đặc biệt nhận thức được sức khỏe tinh thần kém của họ, với 70% nói rằng họ tin rằng lo lắng và trầm cảm là phổ biến với giới trẻ trong thời đại hiện nay.
Báo cáo ấy phần nào phản ánh được những gì đang diễn ra trong diễn biến tâm lý, tinh thần của giới trẻ ngày nay: Dễ bị mắc các vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần không được khỏe mạnh. Nhưng đồng thời, họ cũng chính là những người nhận thức rõ tầm quan trọng của đời sống tinh thần. Họ hiểu “bệnh” của thế hệ mình và luôn nỗ lực để làm cho đời sống tinh thần trở nên tươi sáng hơn.
Với rất nhiều người trẻ trong thế hệ hiện đại, những mục tiêu như sự nghiệp thành công, tình yêu thăng hoa, kết hôn sinh con... đã lùi lại, nhường bước cho một tiêu chí khác: Sự cân bằng trong cuộc sống và dấn thân vào điều mình mong muốn.
Theo một báo cáo toàn cầu của hãng kiểm toán lớn bậc nhất thế giới Deloitte, được công bố vào năm ngoái, có hai tiêu chí hàng đầu mà thế hệ trẻ cân nhắc khi lựa chọn với một doanh nghiệp, gồm: sự cân bằng trong công việc và cuộc sống, cơ hội học tập và phát triển bản thân.
Cụ thể, 39% thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981 - 1996) và 32% thế hệ Z (những người sinh năm 1997 - 2003) ưu tiên một môi trường làm việc cho phép họ sống cân bằng và lành mạnh.
Tương tự, một khảo sát được tổ chức năm 2023 tại Trung Quốc cho thấy, người trẻ Trung Quốc không bài xích chuyện kết hôn, sinh con. Nhưng lý do khiến đa phần họ chọn kết hôn muộn hơn trước đây là bởi nhiều yếu tố: Lựa chọn và tìm kiếm đúng “nửa kia” của bản thân. Cạnh đó là mong muốn trưởng thành hơn, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn rồi mới ổn định gia đình. Nhiều người trẻ cũng ý thức hơn trong việc chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, bằng việc tìm hiểu, trang bị các kĩ năng cần có trong hôn nhân.
Nhiều người trẻ khác về nông thôn, xúc chạm với thiên nhiên, tìm đến thể thao, thiền, yoga hay các chuyến du lịch trải nghiệm, các khóa thực tập về chữa lành... Tất cả đều hướng tới việc làm phong phú tâm hồn, giúp tinh thần lành mạnh và cân bằng hơn.
Quan trọng nhất trên những hành trình ấy là cho mỗi người trẻ là tự đặt ra những mục tiêu chân chính phù hợp với chính mình, thay vì bị áp đặt bởi các tiêu chuẩn xã hội. Việc cân nhắc kỹ lưỡng về những gì thực sự quan trọng với bản thân và tìm ra cân bằng phù hợp là chìa khóa để đạt được sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống.
Có lẽ, thành công của thế hệ trẻ ngày nay, đó là bước ra khỏi những khái niệm đóng khung về hạnh phúc. Bản thân những người trẻ tự chọn lối đi cho mình, có thể không thành công, có thể không thú vị. Và cũng có thể không bình an, nhưng đó là lựa chọn mà họ đưa ra và dám đấu tranh, dám sống hết mình vì nó.
Các vị thiền sư ngày nay nói nhiều về hạnh phúc. Trong các bài thuyết pháp, có một thực tập về hạnh phúc thường được nhắc nhiều lần: Không buồn vì quá khứ, không lo cho tương lai. Hạnh phúc là ở giây phút đang sống, là vui với những gì mình đang có, là tận hưởng hết mình trong từng sát na của cuộc đời này.
Có nghĩa là, chẳng còn có thước đo nào cho hạnh phúc nữa cả. Không phải là nhiều tiền, không phải danh vọng, không phải thành công, cũng chẳng phải thoải mái vui sướng hay thỏa mãn. Chỉ đơn giản là tận hưởng cốc nước mình đang uống, nhấm nháp từng giọt nước dù ấm hay lạnh.
Nói cho cùng, điều kì diệu nhất của hiện thế, chính là sự tồn tại của mỗi một con người. Biết trân quý mỗi giây phút hiện hữu trên đời, không bỏ phí từng giây phút ấy, ấy chính là hạnh phúc.