Ngừng tuyển sinh lớp 6 trường chuyên là đúng luật
Tin tức

Ngừng tuyển sinh lớp 6 trường chuyên là đúng luật

Trường chuyên chỉ có bậc THPT

ngày 07/3, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, Luật Giáo dục năm 2005 đã quy định, trường chuyên chỉ có ở bậc THPT. Quy định này được giữ nguyên ở Luật Giáo dục năm 2019, không có cấp THCS trong trường chuyên - căn cứ vào khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019.

Trên thực tế, mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào. Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử, có hai trường là THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) và Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) lại có khối THCS. Điều lạ lùng là "tồn tại lịch sử" này kéo dài trong một thời gian khá lâu và được chính quyền TP.Hà Nội lẫn TPHCM ủng hộ.

Nói về luật, năm 2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Vậy tại sao niên khóa 2023 - 2024 hai trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) và Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) vẫn cứ tiếp tục tuyển sinh hệ không chuyên THCS?

Trả lời về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành lý giải: "Năm 2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 05 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Vì vậy đương nhiên các lớp THCS không chuyên trong các trường THPT chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh.

Khi có những cuộc thi khảo sát vào lớp 6 thì sẽ xuất hiện các trung tâm luyện thi...

Thông tư 05 đã ban hành được một năm nhưng có hiệu lực từ mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay (2024). Đó là lý do các năm trước, hai trường trên vẫn tuyển sinh lớp 6.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: "Việc duy trì hay ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trần Đại Nghĩa không phải là việc Bộ GD-ĐT muốn cho phép hay không mà luật đã ban hành, đã có hiệu lực thì phải thực thi".

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm về việc bồi dưỡng học sinh (HS) năng khiếu ở bậc THCS, ông Thành nói việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên là nhiệm vụ của tất cả trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường chất lượng cao nào. Thực tế, có một số HS đỗ cao trong các kỳ thi, đoạt giải HS giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực nhưng chỉ học ở các trường bình thường, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển.

Trong khi đó, Sở GD-ĐT Hà Nội lại muốn duy trì hệ không chuyên bậc THCS trong trường THPT chuyên và cho biết sẽ đề xuất phương án giữ ổn định việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2024 - 2025. Để thực hiện được việc này, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP.Hà Nội xin cơ chế đặc thù.

Vài ngày trước, Bộ GD-ĐT trả lời cho Sở GD-ĐT Hà Nội một cách dứt khoát về việc tuyển sinh các lớp không chuyên (lớp 6 đến lớp 9) ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Theo đó, Bộ GD-ĐT khẳng định, theo Luật Giáo dục năm 2019, trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp THPT. Do đó, không có trường THCS trong trường chuyên. Bộ đề nghị Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh đúng quy định.

Học sinh tham gia cuộc khảo sát (thực tế là 1 cuộc thi) vào lớp 6 ở Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP.Thủ Đức

Hệ THCS (thường gọi là Ams2) của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bắt đầu tuyển sinh từ năm 1992. Mỗi năm, Ams2 tuyển 200 HS, trong khi nhận khoảng 3.000 - 5.000 hồ sơ. Do lượng đăng ký lớn, trường đặt nhiều tiêu chí về học bạ để xét tuyển vòng 1. HS phải đạt 10 điểm ở hầu hết môn trong 5 năm tiểu học mới có thể vào thi tuyển... Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bị "tuýt còi" tuyển sinh lớp 6, tất nhiên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở TPHCM cũng chung số phận, làm nhiều phụ huynh vài năm nay đưa con vào "lò luyện" xôn xao và băn khoăn.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được UBND TPHCM cho phép thành lập vào năm 2002, chuyển từ Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Trước đó, trường thí điểm mô hình tăng cường tiếng Anh và HS học tập, sinh hoạt cả ngày tại trường. Đến nay, trường đi theo mục tiêu xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường xác định các trọng tâm phát triển học hiệu, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập Việt Nam. Đây cũng là trường THPT chuyên duy nhất tại TPHCM tuyển sinh hệ THCS như Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hiện toàn trường có khoảng 3.000 HS ở cả 2 cấp THCS, THPT, trong đó chỉ có hệ THPT đào tạo chuyên mà thôi.

Hiện Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, mỗi năm tuyển hơn 500 HS lớp 6 từ gần 5.000 hồ sơ ứng tuyển qua một cuộc thi gọi là bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Bài thi gồm cả tự luận và trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thường thức đời sống cũng như khả năng tiếng Anh, Toán, năng lực đọc - hiểu - làm văn của HS.

Coi chừng sẽ "khôi phục" lại kỳ thi tuyển vào lớp 6?

thực tế, dù gọi là cuộc "khảo sát năng lực" hay bằng hình thức nào đi nữa, đây cũng là một cuộc thi, mà đã thi thì trái với Luật Giáo dục năm 2019. Ngay cả Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trần Đại Nghĩa (TPHCM), có "lách luật" cỡ nào, bằng "cơ chế đặc thù” nào cũng đều trái luật nếu có hệ THCS trong trường chuyên bậc THPT.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc tổ chức hệ THCS chất lượng cao ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được thực hiện theo Luật Thủ đô. Luật cho phép TP.Hà Nội xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao với các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Đây là địa phương duy nhất trong cả nước có căn cứ pháp lý để triển khai mô hình trường chất lượng cao. Từ năm 2009, UBND TP.Hà Nội cũng cho phép thí điểm đào tạo hệ THCS trình độ cao, tạo nguồn cho học sinh chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Nhiều người lại nêu thắc mắc, vậy Luật Thủ đô với Luật Giáo dục, luật nào "trên" luật nào? Nhiều địa phương khác cũng thắc mắc về hệ đào tạo "đặc thù” này và lý giải Hà Nội, TPHCM cho một số trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 trong trường THPT chuyên, thì tại sao Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... không làm được?

Trên thực tế, TP.Thủ Đức (TPHCM) đã làm với Trường THCS Trần Quốc Toản 1, cho thi tuyển sinh vào lớp 6, sử dụng chung đề với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Dư luận hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề tuyển sinh vào lớp 6. Đặc biệt nếu lớp 6 lại cho tổ chức thi tuyển là trái với Luật Giáo dục 2019 nhưng nhiều địa phương vẫn cứ làm. Cứ đà này chẳng bao lâu nữa có thể sẽ "khôi phục" lại kỳ thi vào lớp 6? Và nếu vin vào yêu cầu cao hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng giáo dục nổi trội, chất lượng cao, theo mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế... thì sẽ dẫn đến việc mất công bằng trong giáo dục là chuyện tất nhiên, trong khi yêu cầu ở giáo dục phổ thông lại là tính công bằng...

Copy & Share

Hi, I'm David Smith

I'm David Smith, husband and father , I love Photography,travel and nature. I'm working as a writer and blogger with experience of 5 years until now.

ads

Get The Best Blog Stories into Your inbox!

Sign up for free and be the first to get notified about new posts.