Giấc mơ du học Australia có gặp khó với chính sách thị thực mới?
- David Smith
- February 10, 2022
- 15 min Read
- 2 comments
Vào tháng 12/2023, Australia công bố chiến lược thị thực mới, chấm dứt những nhượng bộ được đưa ra trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đối với sinh viên quốc tế. Chính sách mới của Australia được đưa ra trong bối cảnh lượng người nhập cư đạt đỉnh 510.000 trong năm 2022-2023, trong đó khoảng 270.000 người là sinh viên quốc tế, kéo theo những hệ lụy cho xã hội quốc gia. Chính sách mới được kỳ vọng sẽ đưa số lượng người nhập cư tại Australia trở lại mức bình thường, giúp số lượng người nhập cư giảm còn một nửa, còn 250.000 người trong 3 năm tới. Hiện tại, có tới 39% người nhập cư tạm thời đến Australia là sinh viên hoặc sinh viên tốt nghiệp. Họ là nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở Australia sau công dân New Zealand.
Thêm yêu cầu gắt gao đối với du học sinh
Cụ thể, chiến lược thị thực mới bao gồm quyết định cắt giảm thị thực làm việc sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế từ 4 năm xuống còn 2 năm. Sinh viên thạc sĩ theo học các ngành được ở lại 3 năm thay vì 5 năm như đợt COVID-19.
Bên cạnh đó, chính phủ Australia cũng cấm sinh viên chuyển đổi cơ sở giáo dục trong quá trình học, từ cơ sở chất lượng cao xuống cơ sở chất lượng thấp hơn. Khoản tiền chứng minh tài chính của một du học sinh cũng sẽ được yêu cầu tăng lên 24.500 đô la Australia (395 triệu đồng), tương đương mức tăng 17% so với trước đó.
Chính phủ Australia cũng sẽ áp dụng bài kiểm tra “Genuine Student” mới dành cho tất cả sinh viên quốc tế. Bài kiểm tra này sẽ khuyến khích các sinh viên thực sự muốn học tại các trường đại học hoặc cơ sở giáo dục Australia, thay vì những người mượn cớ du học để làm việc. Bài thi này sẽ thay thế cho bài kiểm tra bắt buộc Genuine Temporary Entrant hiện có trong hồ sơ xin thị thực.
Ngoài ra, chính phủ yêu cầu các đơn vị cấp thị thực đảm bảo có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các đơn xin thị thực du học và xử lý tình trạng “nhảy cóc thị thực” - hành vi một cá nhân đang từ thị thực này xin nộp xét sang thị thực khác để kéo dài thời gian lưu trú tại Australia. Ví dụ, một người có thể nhân cơ hội chuyển đổi từ visa 485 (thị thực tạm trú dành cho sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp tại Australia) sắp hết hạn về lại visa sinh viên 500 cho phép lưu trú lại Australia để học toàn thời gian lên đến 5 năm tại một cơ sở giáo dục được chính phủ Astralia công nhận.
Chính phủ nước này cũng sẽ tăng yêu cầu tiếng Anh tối thiểu đối với các trường hợp xin thị thực sinh viên và sau đại học, từ 5.5 và 6.0 IELTS lên lần lượt 6.0 và 6.5 IELTS. Thay đổi này sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024.
Ngoài yêu cầu mức độ ngôn ngữ cao hơn, những người có thị thực du học cũng cần phải chứng minh việc học tập tại Australia giúp ích cho công việc sau này. Ví dụ, một nghiên cứu sinh tiến sĩ không thể xin thị thực du học để học lấy bằng về ngành du lịch khách sạn.
Chính phủ còn áp dụng các điều kiện xét trong quá trình học, như điểm chuyên cần và điểm qua môn phải đạt trên 80% đối với những người có thị thực sinh viên để hạn chế những người nhập cảnh cho mục đích khác.
39% người nhập cư tạm thời đến Australia là sinh viên hoặc cử nhân đã tốt nghiệp. Ảnh: AAP
Tại sao Australia lại siết chặt thị thực du học?
Năm 2023, Australia chứng kiến mức tăng kỷ lục về số du học sinh với 655.000 người tính đến cuối tháng 7/2023, vượt mức cao nhất từng xác lập trước đại dịch COVID-19 là 634.000 sinh viên quốc tế.
Các chuyên gia nhận định ngành giáo dục quốc tế tại Australia có nguy cơ phát triển không bền vững vì tăng trưởng thiếu thực chất. Rõ ràng xu hướng đến Australia du học tăng trưởng không mang lợi những lợi ích về mặt kinh tế cho các trường đại học ở quốc gia mà thậm chí còn khiến họ phải đối mặt với sự thua lỗ. Năm 2023, có tới 30 trường đại học ở Australia báo cáo thâm hụt ngân sách.
Nhà phân tích giáo dục quốc tế Keri Ramirez chỉ ra điều này một phần là do tổng lượng tuyển sinh nước ngoài chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Con số này vẫn thấp hơn khoảng 30.000 hoặc 8% so với mức trước đại dịch.
Trong khi đó, lợi nhuận mà các trường nhận được dường như đã bị giảm đi do chiết khấu, với khoảng 33 trường đại học Australia cung cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài dưới dạng giảm học phí.
Ông Ramirez cho biết trước đại dịch, học bổng chủ yếu được đưa ra để thu hút những sinh viên đặc biệt tài năng hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, rất ít trường đại học cung cấp chúng dưới dạng cơ chế giảm tiền học. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi ngày càng có nhiều trường đại học tìm kiếm lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp các học bổng giảm học phí lên tới 30%.
Chuyên gia Ramirez ước tính chi phí để áp dụng chính sách giảm học phí 20% là 5,4 triệu đô la Australia cho một trường đại học thu học phí thông thường và tiếp nhận 1.000 sinh viên nước ngoài mỗi năm. Trên thực tế, chi phí này đã bị đội lên nhiều vì hầu hết các trường đại học Asutralia tiếp nhận ít nhất 2.000 sinh viên nước ngoài mới mỗi năm. Thậm chí, có trường tiếp nhận tới 10.000 du học sinh.
“Nếu một sinh viên nhận được lời mời từ 5 trường đại học và 5 trường đại học đó cấp học bổng 20% thì sẽ không có lợi thế cạnh tranh. Về mặt kinh tế vi mô, khi rất nhiều người chơi thực hiện cùng một chiến lược, thì chiến lược đó bắt đầu bị vô hiệu hóa”, ông Ramirez giải thích.
Cơ quan quản lý giáo dục đại học của Australia đã thông báo cho các trường đại học và cao đẳng tuần thủ và kiểm tra quy trình tuyển dụng, tiếp nhận và hỗ trợ sinh viên nước ngoài.
Trong thư gửi tới các trường đại học, ông Peter Coaldrake, ủy viên trưởng Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học (Teqsa), cho biết một số tổ chức đang bị điều tra về các vấn đề như tuyển sinh phi đạo đức. Giáo sư Coaldrake yêu cầu các trường cần có quy trình tuyển sinh minh bạch, tách biệt cơ chế vận hành giữa khâu quảng bá tuyển sinh và xét duyệt đầu vào.
Chính sách mới có đang hiệu quả?
Đại học Wollongong và La Trobe là 2 trong số 8 trường tuyên bố hủy tuyển sinh sinh viên nước ngoài.
Sau khi triển khai các biện pháp mới, tỷ lệ chấp thuận thị thực du học cho sinh viên nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm tại Australia. Không chỉ vậy, ngày càng nhiều du học sinh rời khỏi Australia. Chỉ trong 2 tháng 11 và 12/2023, đã có 120.000 sinh viên rời khỏi Australia, tăng hơn so với con số 27.310 của năm 2022.
Trong sáu tháng tính đến tháng 12/2023, 80,9% tổng số đơn xin thị thực du học đã được cấp. Con số này giảm so với tỷ lệ 86% vào năm 2022-2023, 91,5% vào năm 2021-2022 và 89,9% trước đại dịch năm 2018-2019.
Abul Rizvi, cựu Thứ trưởng Bộ nhập cư Australia, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ ghi nhận tỷ lệ thấp như thế này trước đây, xét về tỷ lệ và số lượng. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối lượng sinh viên nhiều đến thế này”.
Mới đây, 8 trường đại học ở Australia, gồm trường công và trường tư đã hủy lời mời nhập học đối với sinh viên quốc tế. Các trường Đại học Western Sydney, Macquarie, Wollongong, Latrobe, Deakin, Central Queensland, Edith Cowan và Kaplan Business School đã gửi thông báo hủy tuyển sinh đối với sinh viên quốc tế. Các trường này cho biết tất các khoản phí mà ứng viên đã nộp sẽ được hoàn trả.
Theo ông Phil Honeywood - Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia, rất khó để chỉ ra những quốc gia nào có sinh viên bị từ chối cấp thị thực nhiều nhất.
Tại một số quốc gia Pakistan và Nepal, họ cũng có những khó khăn trong từng nước nên không thể khẳng định chính sách thị thực mới của Australia làm tỷ lệ cấp thị thực cho những sinh viên các quốc gia này giảm.
Tỷ lệ từ chối cấp thị thực giữa sinh viên các quốc gia khác nhau, với tỷ lệ duyệt thị thực đối với người Ấn Độ và Nepal giảm từ 74,2 và 65,2% trong năm 2022-2023 xuống còn 60,8 và 47,8%. Đối với sinh viên Pakistan, tỷ lệ này giảm từ 66,3 xuống 62,6%.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên đại học Trung Quốc được cấp thị thực du học vẫn ổn định, khoảng 97%.
Ông Honeywood cho biết thêm Việt Nam và Malaysia cũng nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc chậm cấp thị thực. “Trong những tuần gần đây, tôi cũng nghe nói khá nhiều sinh viên mặc dù không bị từ chối cấp thị thực nhưng quy trình chấp thuận lại trì hoãn. Nhiều người không thể bắt đầu học kỳ một”, ông Honeywood chỉ ra.